---=== Trường THPT Sông Đốc ===---

http://thptsongdoc.edu.vn


Dự kiến những điểm mới thi tốt nghiệp THPT thời gian tới

Dự kiến những điểm mới thi tốt nghiệp THPT thời gian tới

Dự kiến những điểm mới thi tốt nghiệp THPT thời gian tới

Chiều 2/1/2014, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo một số điều chỉnh Phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt.
Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển về những nội dung xung quanh Dự thảo này.

Cân nhắc chọn lựa hai phương án thi tốt nghiệp THPT

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết lý do Bộ GD&ĐT đưa ra những dự kiến điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT:

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI yêu cầu: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh” và “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”.

Qua đánh giá ưu, nhược điểm các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước đây; trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội, Bộ GD&ĐT dự kiến có một số thay đổi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm sắp tới, trước khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vậy cụ thể phương thức thi và các môn thi được dự kiến thay đổi như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Chúng tôi xây dựng 2 phương án thi tốt nghiệp THPT. Về môn thi, phương án 1: Thí sinh thi 4 môn, gồm: 2 môn bắt buộc: Toán và Ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ với đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Dự kiến: Bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.

Phương án 2: Thí sinh thi 5 môn, gồm: 3 môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 2 môn thi do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Với môn ngoại ngữ, thí sinh GDTX và thí sinh giáo dục THPT không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môtn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử sao cho không trùng với hai môn tự chọn nói trên.

Về hình thức thi, các môn Toán, Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử thi theo hình thức tự luận; Các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; Môn Ngoại ngữ có hai phần thi: trắc nghiệm và viết luận.

Thời gian làm bài thi: Môn Toán và Ngữ văn là 150 phút. Môn Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ là 90 phút. Môn Vật lý, Hóa học và Sinh học là 60 phút.
Theo Dự thảo, điểm xét tốt nghiệp =  (Điểm trung bình các bài thi + Điểm trung bình cả năm lớp 12)/2  + Tổng điểm khuyến khích (nếu có)/số bài thi; Điểm xếp loại tốt nghiệp = (Điểm trung bình các bài thi + Điểm trung bình cả năm lớp 12)/2. 

Thứ trưởng có thể phân tích sâu ưu, nhược điểm của hai phương án này?

Phương án 1 có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để Bộ GD&ĐT và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ 2020, trong đó đặc biệt coi trọng đổi mới cách thức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu giao tiếp (Nghe, Nói, Đọc, Viết). Tuy nhiên, có thể dẫn đến việc dư luận cho rằng sẽ giảm nhẹ yêu cầu dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông theo Đề án ngoại ngữ 2020.

Còn phương án 2 thì có ưu điểm là bắt buộc phần lớn học sinh phải học ngoại ngữ. Tuy nhiên, số môn thi tăng lên và sẽ kéo dài phương pháp thi ngoại ngữ đã lạc hậu; do đó không có tác động đến việc đổi mới  phương pháp dạy và học ngoại ngữ.

 Bộ muốn rằng từ nay cho đến khi có chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ cần một lần này thay đổi phương án thi tốt nghiệp. Khi triển khai chương trình mới thì sẽ đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp một cách căn bản theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 8.

Hiện đang bắt đầu xin ý kiến, bắt đầu làm quy trình để ra quy chế mới. Và theo quy định, ta còn 5 tháng nữa là rộng dài thời gian. Tôi tính ta có ít nhất 3 tháng để soạn Quy chế mới, nhưng cố gắng  càng sớm càng tốt, đáp ứng được quy định về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và cũng có thời gian để học sinh chủ động. Trên thực tế, hiện tại các em đã chủ động rồi. Và khi chốt lại phương án chính thức thì sẽ triển khai.

Thưa Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT có nghiêng về một phương án nào trong quá trình phân tích, cân nhắc lựa chọn?

Bộ GD&ĐT nghiêng về phương án 1, khuyến khích học sinh em nào ham thích học ngoại ngữ thì được cộng điểm, và cũng là động lực để khuyến khích việc học ngoại ngữ nói chung trong các nhà trường.

Chúng tôi muốn có thời gian để Bộ GD&ĐT và các trường chuẩn bị thực hiện Đề án ngoại ngữ mới một cách tốt nhất. Muốn làm được điều này cần đáp ứng hai điều kiện cơ bản nhất, đó là cần đầu tư cho đội ngũ GV đi học để đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ và phương pháp dạy học mới; cùng đó là đổi mới cách thi và kiểm tra để đánh giá đúng năng lực sử dụng ngoại ngữ (nhe, nói, đọc, viết) của người học; qua đó mà tác động trở lại quá trình đổi mới cách dạy, cách học.

Trên thực tế, cách thi ngoại ngữ hiện nay thi ngoại ngữ đấy nhưng học sinh lại không có năng lực sử dụng ngoại ngữ trong thực tiễn. Vậy nên phương án 2 là phương án cũ, lạc hậu rồi, cần thay đổi.

Tiêu chí để xét miễn thi tốt nghiệp

Học sinh và PHHS cũng rất quan tâm đến những điều chỉnh của Dự thảo về đối tượng miễn thi tốt nghiệp năm nay, đặc biệt là tỷ lệ miễn thi chung với các Sở GD&ĐT. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể nội dung này?

Theo Dự thảo, ngoài các đối tượng được miễn thi theo Quy chế thi hiện hành (người học khiếm thị; người học lớp 12 được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực các môn văn hóa và được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc  khu vực về thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ), các thí sinh (học sinh GD THPT) và học viên GDTX) có kết quả học tập, rèn luyện tốt sẽ được miễn thi dựa theo các tiêu chí cơ bản sau:

Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT; Kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp; Kết quả các kỳ thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật, các cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức ở cấp quốc gia, quốc tế.

Thí sinh miễn thi được xếp loại tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12 và vẫn được quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp để được xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp theo quy định.

Trong kỳ thi đầu tiên, tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) (gọi chung là các Sở GD&ĐT) tối đa là 20%. Tỷ lệ này có thể được xem xét điều chỉnh trong các năm sau.

Với tỷ lệ miễn thi chung tối đa là 20% này, công việc của các Sở GD&ĐT, các trường THPT trong việc xây dựng phương án miễn thi của địa phương, của trường mình sẽ được hình dung như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Sở GD&ĐT căn cứ tỷ lệ miễn thi do Bộ GD&ĐT quy định, xây dựng phương án miễn thi của địa phương mình. Đó là cụ thể hóa tiêu chí miễn thi; dự kiến phương án miễn thi của địa phương, trong đó nêu rõ tỷ lệ miễn thi cho từng cơ sở GD phổ thông, GDTX thuộc phạm vi quản lý dựa trên các đánh giá của Sở vê: Điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học; Kết quả các hoạt động GD mà cơ sở đã tổ chức thực hiện; Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh…;

Cùng đó, lấy ý kiến của Hiệu trưởng trường THPT, Giám đốc trung tâm GDTX (gọi chung là Hiệu trưởng trường THPT) về phương án miễn thi; Hoàn thiện phương án và trình Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam phê duyệt; Công khai phương án trên các phương tiện thông tin đại chúng; Chỉ đạo, hướng dẫn các trường THPT thực hiện phương án miễn thi đã được phê duyệt và tổ chức thanh tra giám sát việc thực hiện;

Với hiệu trưởng trường THPT, thực hiện tham gia góp ý xây dựng phương án miễn thi theo yêu cầu của Giám đốc Sở GD&ĐT; Thành lập Hội đồng xét miễn thi của trường để xét miễn thi theo phương án đã được phê duyệt. Hội đồng gồm: Ban Chấp hành Đảng bộ/ chi bộ nhà trường, Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn trường, Bí thư Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Ban đại diện Cha mẹ học sinh, đại diện học sinh lớp 12;

Các hiệu trưởng cần công khai và xử lý các góp ý về danh sách học sinh được miễn thi do Hội đồng đề xuất; Trình Giám đốc Sở GD&ĐT duyệt danh sách học sinh được miễn thi.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 Bộ GD&ĐT mong nhận được ý kiến đóng góp cho các nội dung của phương án điều chỉnh, thời gian đưa vào áp dụng và các công việc cần triển khai để thực hiện các điều chỉnh này.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển 
 

Tác giả: Gia Hân

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời Đại

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây