---=== Trường THPT Sông Đốc ===---

http://thptsongdoc.edu.vn


Quy định các bước xử lý học sinh vi phạm

Quy định các bước xử lý học sinh vi phạm

Quy định các bước xử lý học sinh vi phạm

                SỞ GD&ĐT CÀ MAU                    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

       TRƯỜNG THPT SÔNG ĐỐC                            Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

QUY ĐỊNH CÁC BƯỚC XỬ LÝ HỌC SINH VI PHẠM

(Được ban hành kèm theo Quyết định số: 127/QĐ-THPT.SĐ, ngày 28/8/2015 của Hiệu trưởng trường THPT Sông Đốc)

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Khi học sinh vi phạm nề nếp kỷ luật, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các giáo viên bộ môn, Chi Đoàn TNCS HCM, Đoàn TNCS HCM và cha, mẹ học sinh để có biện pháp nhắc nhở, giáo dục các em, giúp các em khắc phục sửa chữa là chính; qua đó theo dõi, ghi nhận mức độ sửa chữa, tiến bộ để đánh giá xếp loại hạnh kiểm vào cuối học kỳ, cuối năm học. Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết phải răn đe nhằm ngăn chặn lây lan trong việc vi phạm kỷ cương nền nếp hoặc khi học sinh vi phạm các hành vi không được làm đã được quy định tại Điều 41, Điều lệ trường trung học, thì phải tiến hành các thủ tục để xem xét kỷ luật.

II. CÁC HÌNH THỨC KỶ LUẬT HỌC SINH 
(căn cứ theo Điều 41, 42, Điều lệ trường trung học)

1. Phê bình:

1.1. Phê bình trước lớp: Học sinh vi phạm 1 trong các khuyết điểm:

- Nghỉ học không xin phép không quá 2 buổi (kể cả bỏ tiết) trong 1 tháng.

- Không thuộc bài hoặc không làm bài, không chuẩn bị bài do giáo viên qui định không quá 2 lần trong thời gian 1 tháng.

- Vi phạm kỷ luật lao động, sinh hoạt không quá 2 lần trong 1 tháng.

- Vi phạm khác có tính chất và mức độ tương đương như làm việc riêng trong giờ học, đi trễ, thiếu dụng cụ học tập, không đeo bảng tên, mặc đồng phục không đúng quy định,...

Việc phê bình trước lớp do GVCN, GVBM quyết định.

1.2. Phê bình trước trường: Học sinh vi phạm 1 trong các khuyết điểm:

- Nghỉ học không xin phép từ 3 buổi trở lên trong thời gian 1 tháng.

- Không thuộc bài hoặc không làm bài, không chuẩn bị bài do giáo viên qui định từ 3 lần trở lên trong thời gian 1 tháng.

- Sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng hoặc máy nghe nhạc trong giờ học.

- Vi phạm khác có tính chất và mức độ tương đương như làm việc riêng trong giờ học, đi trễ, thiếu dụng cụ học tập, không đeo bảng tên, mặc đồng phục không đúng quy định,...

Việc quyết định phê bình trước trường sẽ do giáo viên chủ nhiệm lớp đề nghị sau khi đã tham khảo ý kiến của cán bộ lớp (nếu GVBM hoặc tổ trưởng tổ kiểm tra nề nếp đề nghị, phải có xác nhận của GVCN lớp) và được hiệu trưởng đồng ý. Trường hợp bị phê bình dưới cờ sẽ bị hạ 1 bậc hạnh kiểm trong tháng đó.

2. Khiển trách (trước trường) và thông báo với gia đình: Học sinh vi phạm 1 trong những khuyết điểm:

- Tái phạm nhiều lần một trong các khuyết điểm đã bị phê bình trước trường.

-  Vi phạm an toàn giao thông, gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử lần đầu; gây gổ, đánh nhau ở mức độ nhẹ, gây mất đoàn kết,…        

-  Vi phạm khác có tính chất và mức độ tương đương như làm việc riêng trong giờ học, đi trễ, thiếu dụng cụ học tập, không đeo bảng tên, mặc đồng phục không đúng quy định,...

Hình thức kỷ luật khiển trách do hội đồng kỷ luật của nhà trường đề nghị. Hiệu trưởng ra quyết định. Hình thức kỷ luật này sẽ thông báo cho gia đình. Trường hợp bị khiển trách sẽ bị hạ 1 bậc hạnh kiểm trong học kỳ.

3. Cảnh cáo và ghi học bạ: Học sinh vi phạm 1 trong các khuyết điểm:

- Tái phạm nhiều lần một trong các khuyết điểm đã bị khiển trách trước trường.

- Vi phạm một trong những điều cấm học sinh không được làm (Điều 41 – Thông tư 12) như:

+ Hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục.

+ Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

+ Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử từ 2 lần trở lên.

+ Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.

+ Lưu hành, sử dụng các ấn phẩm độc hại, đồi trụy; đưa thông tin không lành mạnh lên mạng; chơi các trò chơi mang tính kích động bạo lực, tình dục; tham gia các tệ nạn xã hội.

- Vi phạm khác có tính chất và mức độ tương đương như làm việc riêng trong giờ học, đi trễ, thiếu dụng cụ học tập, không đeo bảng tên, mặc đồng phục không đúng quy định,...

Hình thức kỷ luật cảnh cáo sẽ do hội đồng kỷ luật của nhà trường đề nghị. Hiệu trưởng ra quyết định. Hình thức kỷ luật này sẽ ghi vào học bạ của học sinh và thông báo cho gia đình. Trường hợp bị cảnh cáo sẽ bị hạ từ 2 bậc hạnh kiểm trở lên trong học kỳ hoặc trong năm học.

4. Buộc thôi học có thời hạn:

4.1. Buộc thôi học 1 tuần: Học sinh vi phạm 1 trong các khuyết điểm:

- Tái phạm một trong các khuyết điểm đã bị cảnh cáo trước trường.

- Vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng, làm tổn hại đến danh dự của nhà trường, giáo viên và học sinh,…

- Vi phạm khác mà tính chất và mức độ tương đương.

Hình thức kỷ luật buộc thôi học 1 tuần sẽ do hội đồng kỷ luật của nhà trường đề nghị. Hiệu trưởng ra quyết định. Hình thức kỷ luật này sẽ ghi vào học bạ của học sinh và thông báo cho gia đình. Trường hợp bị thôi học 1 tuần sẽ bị xếp hạnh kiểm Yếu trong học kỳ hoặc năm học.

Trong thời gian buộc thôi học 1 tuần, học sinh phải có mặt tại trường để chép lại các bài học và thực hiện nghĩa vụ lao động công ích theo quy định hướng dẫn của GVCN.

Sau thời gian bị buộc thôi học 1 tuần, học sinh viết cam kết, có xác nhận của Cha Mẹ, ý kiến của GVCN, GVBM và gửi cho hiệu trưởng để được xét cho học lại. Thời gian học sinh bị buộc thôi học được coi là nghỉ học có phép nếu được học lại.

4.2. Buộc thôi học đến hết năm học:

Học sinh vi phạm một trong các khuyết điểm:

- Tái phạm một trong các khuyết điểm đã bị buộc thôi học 1 tuần.

- Trong thời gian bị buộc thôi học 1 tuần, học sinh vi phạm thêm những khuyết điểm nghiêm trọng khác.

- Vi phạm lần đầu nhưng hành động vi phạm có ý thức và chủ động, gây nên những tác hại lớn, rất nguy hiểm đến tài sản của xã hội và tính mạng của con người.

Hình thức kỷ luật này có ghi học bạ, thông báo cho gia đình và địa phương. Gia đình học sinh có trách nhiệm quản lý và giáo dục học sinh trong thời gian học sinh bị buộc thôi học.

Ngay sau khi thi hành kỷ luật học sinh buộc thôi học đến hết năm học, nhà trường báo cáo về Sở Giáo dục-Đào tạo để biết và theo dõi.

Những học sinh sau khi bị buộc thôi học đến hết năm học, nếu năm sau muốn học lại thì phải làm đơn xin học lại và nộp kèm theo giấy xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) về sự tiến bộ của bản thân, giấy cam kết của gia đình và học sinh. Hiệu trưởng sẽ xem xét cho học lại.

* Chú ý:

- GVCN, GVBM kết hợp với Đoàn TN, CMHS và các tổ chức, bộ phận trong nhà trường thường xuyên nhắc nhở, răn đe những học sinh hay vi phạm nề nếp nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật.

- Tăng cường vai trò của đội ngũ GVCN, GVBM, đội ngũ Đoàn viên giáo viên, Đoàn TN, Tổ Tư vấn trong việc tư vấn, giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống…cho HS. Thiết lập và duy trì có hiệu quả mối quan hệ giữa GVCN, GVBM với gia đình trong việc quản lý, giáo dục HS, ngăn ngừa tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, khắc phục nguyên nhân học sinh bỏ học... Trong giáo dục HS chuyển hướng dần từ việc xử lý hiện tượng vi phạm sang tìm hiểu nguyên nhân vi phạm để tìm cách tư vấn, giúp đỡ các em tránh sai phạm và thực hiện tốt nội quy, điều lệ nhà trường.

- Để đảm bảo tính sư phạm, tính nghiêm túc của việc giảng dạy và học tập trên lớp, GVBM xử lý việc vi phạm của HS trong giờ dạy của mình theo đúng thẩm quyền, đúng trình tự, không đùn đẩy cho GVCN lớp.

III. HỘI DỒNG KỶ LUẬT HỌC SINH

1. Hội đồng kỷ luật được thành lập để xét kỷ luật, giảm mức hoặc xoá kỷ luật học sinh. Hội đồng kỷ luật do hiệu trưởng quyết định thành lập và làm Chủ tịch. Các thành viên của hội đồng có thể gồm: Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, GVCN lớp có học sinh phạm lỗi, một số giáo viên có kinh nghiệm giáo dục (giáo viên làm công tác tư vấn, giáo viên dạy môn giáo dục công dân hoặc giáo viên khác có liên quan) và đại diện Ban Đại diện CMHS của trường.

2. Hội đồng kỷ luật biểu quyết theo đa số, riêng đối với hình thức buộc thôi học phải có ít nhất là 2/3 số thành viên biểu quyết tán thành. 

IV. HỒ SƠ KỶ LUẬT HỌC SINH

1. Phê bình trước lớp:

Hồ sơ xét kỷ luật đối với học sinh phạm lỗi: Bản kiểm điểm sai phạm của học sinh.

2. Phê bình trước trường:

Hồ sơ xét kỷ luật đối với học sinh phạm lỗi:

- Bản kiểm điểm sai phạm của học sinh.

- Văn bản đề xuất của GVCN hoặc GVBM và phê duyệt của hiệu trưởng.

3. Khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi học có thời hạn:

Hồ sơ xét kỷ luật đối với những học sinh phạm lỗi:

- Bản kiểm điểm sai phạm của học sinh. Trường hợp học sinh không viết kiểm điểm sau khi GVCN, GVBM nhắc nhở nhiều lần, tập thể lớp và hội đồng kỷ luật vẫn họp xét kỷ luật.

- Biên bản họp lớp có đề nghị hình thức kỷ luật của GVCN, GVBM, kèm theo những tài liệu, tang vật (nếu có).

- Biên bản họp xét kỷ luật của hội đồng kỷ luật của nhà trường.

- Quyết định kỷ luật học sinh của hiệu trưởng.

V. QUYỀN KHIẾU NẠI CỦA HỌC SINH VÀ CHA, MẸ HỌC SINH

Học sinh và cha mẹ học sinh có quyền khiếu nại về kỷ luật của học sinh từ hình thức kỷ luật cảnh cáo trở lên trong thời hạn 1 tuần kể từ ngày được công bố quyết định kỷ luật:

1. Nếu bị kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường hoặc bị buộc thôi học 1 tuần thì làm đơn khiếu nại với nhà trường, hiệu trưởng phải xem xét lại kỷ luật và trả lời cho đương sự trong thời gian 3 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại. Nếu phát hiện có sai lầm trong việc xét kỷ luật, hiệu trưởng phải triệu tập ngay hội đồng kỷ luật của nhà trường để bàn bạc, xem xét kỷ luật cho thỏa đáng trong phạm vi 1 tuần kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.

2. Nếu bị kỷ luật buộc thôi học đến hết năm học thì có thể làm đơn khiếu nại với nhà trường hoặc cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp (Sở GDĐT), hiệu trưởng phải xem xét lại quyết định kỷ luật và trả lời cho đương sự trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại. Nếu phát hiện có sai lầm trong việc kỷ luật thì hiệu trưởng phải triệu tập ngay hội đồng kỷ luật của nhà trường để bàn bạc, xem xét cho thỏa đáng trong phạm vi 1 tuần kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.

VI. VIỆC GIÚP ĐỠ HỌC SINH BỊ KỶ LUẬT SỬA CHỮA KHUYẾT ĐIỂM, XÉT HẠ MỨC HOẶC XÓA KỶ LUẬT

Đối với những học sinh bị kỷ luật, GVCN, GVBM, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tập thể lớp có trách nhiệm theo dõi, tích cực giúp đỡ rèn luyện, sửa chữa khuyết điểm để học sinh tiến bộ.

1. Cuối năm học, hội đồng kỷ luật của nhà trường họp xét quyết định hạ mức hoặc xóa kỷ luật cho học sinh trong năm học nếu học sinh có sửa chữa và có tiến bộ. Hội đồng kỷ luật chỉ xét hạ mức hoặc xóa kỷ luật cho những học sinh bị mức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.

Trước khi họp hội đồng kỷ luật để xét hạ mức hoặc xóa kỷ luật học sinh, ban giám hiệu phải mời CMHS và HS đến làm việc về tình hình sửa chữa sai phạm của học sinh và dự kiến hạ mức hoặc xóa kỷ luật được áp dụng.

2. Việc biểu quyết của hội đồng kỷ luật theo nguyên tắc đa số. Quyết định hạ mức hoặc xóa kỷ luật phải được công bố tại nơi đã công bố thi hành kỷ luật, đồng thời thông báo cho HS và cha mẹ học sinhCMHS biết.

3. Hồ sơ xét hạ mức hoặc xóa kỷ luật gồm:

a) Bản tự kiểm điểm về quá trình tự phấn đấu sửa chữa khuyết điểm và mức độ tiến bộ của học sinh phạm lỗi.

b) Biên bản họp lớp, có đề nghị hạ mức hoặc xóa kỷ luật học sinh của GVCN lớp, GVBM.

4. Việc ghi hình thức kỷ luật vào học bạ của học sinh chỉ tiến hành vào cuối năm học, sau khi hội đồng kỷ luật đã họp xem xét và quyết định hạ mức hoặc xóa kỷ luật cho học sinh phạm lỗi và ghi theo hình thức kỷ luật mới (nếu được hạ mức) hoặc không ghi kỷ luật (nếu đã được xóa kỷ luật). Chỉ ghi vào học bạ các mức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.

VII. VIỆC XẾP LOẠI HK CỦA HS Ở HKI VÀ CẢ NĂM HỌC

Việc xếp loại HK cho HS, GVCN phải thực hiện đúng theo quy định sau:

- Đánh giá, xếp loại HK cho HS do GVCN theo dõi và đánh giá theo từng tháng, từng HK và cho cả năm học, đối với xếp loại HK cả năm, phải lấy kết quả HKII làm chuẩn.

- Việc xếp loại HK cho HS loại Khá, Trung bình hay Yếu cho HKI, HKII hay cả năm học phải căn cứ vào mục II của quy định này.

- Cuối HK và cuối năm học, GVCN hoàn thành đánh giá xếp loại HK cho HS và lấy ý kiến của tất cả các GVBM, các tổ chức, bộ phận của nhà trường thông qua Website của trường, dán trên bảng thông báo,…trong vòng 3 ngày, nếu có ý kiến điều chỉnh việc xếp loại HK của HS, GVCN trao đổi và thống nhất theo quy định. Sau 3 ngày, hiệu trưởng sẽ phê duyệt kết quả đánh giá xếp loại HK HS của GVCN.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Lãnh đạo trường, các tổ trưởng chuyên môn có trách nhiệm triển khai, quán triệt quy định này đến tất cả giáo viên trong toàn trường.

GVCN triển tổ chức triển khai đến tất cả PHHS và HS lớp mình phụ trách.

Tất cả CB-GV trong nhà trường thực hiện đúng theo Quy định này. Việc xử lý HS trái với quy định này đều bị vi phạm.

                                                                HIỆU TRƯỞNG
                                                                     (Đã ký)
                                                         NGUYỄN TẤN NGUYÊN

Tác giả: Nguyễn Tần Nguyên

Nguồn tin: Trường THPT Sông Đốc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây