Vượt khó tìm học sinh giỏi
Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (tỉnh Đăk Lăk), ông Trần Viết Lượng tâm sự, là trường mới thành lập, đội ngũ giáo viên còn trẻ thiếu kinh nghiệm, lại ở vùng miền vùng sâu vùng xa, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất dành cho bồi dưỡng học sinh giỏi của trường cũng rất thiếu thốn, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên vì hệ thống phòng thiết bị thí nghiệm thực hành chưa đảm bảo.
Không chỉ với Trường THPT Nguyễn Huệ, ông Trần Viết Lượng cho rằng, các trường không chuyên đều gặp những khó khăn chung trong công tác này, trước hết là nguồn tuyển. Do học sinh có chất lượng cao chủ yếu tập trung về các trường chuyên nên công tác phát hiện học sinh có năng khiếu đặc biệt trong các môn học gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, chế độ ưu tiên, khuyến khích đối với học sinh có thành tích trong thi học sinh giỏi chưa tương xứng với công sức, thời gian và nguyện vọng của các em. Học sinh phải dành phần lớn thời gian, sức lực để hoàn thành chương trình học chính khóa, nhằm vượt qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT, ĐH nên không có đủ thời gian, sức lực để ôn thi học sinh giỏi.
Trong khi đó, số lượng giáo viên đáp ứng được yêu cầu của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi còn hạn chế. Khối lượng công việc của giáo viên trong trường phổ thông ngày càng nhiều khiến họ không có nhiều thời gian đầu tư cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Quan trọng hơn, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên có thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi còn thấp, vì vậy, giáo viên giỏi không mặn mà với công tác này.
Cũng là quản lý một trường vùng khó, ông Nguyễn Thanh Long – Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 2 (Nghệ An) - cho biết, không chỉ là vấn đề đầu vào, khó khăn nhất đối với các trường không chuyên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi là vấn đề kinh phí, trong đó có kinh phí để trả tiền bồi dưỡng cho giáo viên:
“Hiện nay, việc chi kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên đào tạo học sinh giỏi hoàn toàn do hiệu trưởng các trường quyết định chứ không có một quy định chung nào. Tại Trường THPT Đô Lương 2, giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi được trả công theo hiệu quả công việc. Cụ thể, nếu cả 3 học sinh trong đội tuyển đều đậu sẽ được trả mức cao nhất là 250 nghìn/tiết; nếu không được em nào đoạt giải, giáo viên chỉ được trả 150 nghìn/tiết. Trong khi đó, giáo viên dạy thêm trong nhà trường mỗi buổi được khoảng 300 nghìn.”
Khó khăn rất nhiều, nhưng nếu nỗ lực, người quản lý thực sự quan tâm, công tác này vẫn đạt được kết quả. Ông Nguyễn Thanh Long dẫn chứng: Như Đô Lương là huyện khó khăn nhưng chất lượng học sinh giỏi đều rất tốt, luôn trong tốp dẫn đầu của tỉnh. Ngay trường khó khăn như Đô Lương 2, giải cũng gặt hái khá nhiều. Năm vừa rồi, toàn trường được 7 giải nhì và 6 giải ba.
|
Trong giờ học tại Trường THPT Quảng Trị, một mô hình giáo dục chất lượng cao. Ảnh: Thanh Tùng |
Bồi dưỡng học sinh giỏi: Kế hoạch dài hơi
Theo ông Trần Viết Lượng, mỗi nhà trường cần có kế hoạch mang tính lâu dài về công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Đối với các trường THPT, nên phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi ngay từ đầu cấp học. Bên cạnh đó, liên tục động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên tích cực phát hiện nguồn học sinh giỏi, từ đó có chương trình bồi dưỡng dài hạn để học sinh có khả năng tham gia đạt kết quả cao trong các kì thi học sinh giỏi.
Nhà trường cũng nên coi thành tích thi học sinh giỏi là một tiêu chí hàng đầu để đánh giá năng lực chuyên môn của giáo viên và hiệu quả điều hành của tổ chuyên môn. Việc huy động các nguồn kinh phí từ xã hội hóa giáo dục để kịp thời khen thưởng xứng đáng đối với những giáo viên và học sinh có thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi cũng không kém phần quan trọng..
Để có một sân chơi công bằng, ông Trần Viết Lượng kiến nghị nên có một kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia riêng cho học sinh giỏi của các trường không chuyên. Đồng thời, cần quan tâm và có chương trình bồi dưỡng hàng năm cho giáo viên đối với công tác đào tạo học sinh giỏi.
Với Trường THPT Đô Lương 2, trong khó khăn, trường đã có giải pháp lựa chọn học sinh ngay từ lớp 10, lớp 11; tổ chức thi học sinh giỏi cấp trường, sau đó lọc dần để chọn đội tuyển; chọn giáo viên bồi dưỡng là những người giàu kinh nghiệm. Tiền thưởng cho học sinh và giáo viên cũng khá lớn và trò được thưởng bao nhiêu, thầy được thưởng bấy nhiêu. Một em học sinh giỏi giải nhì của trường được thưởng đến 1,5 triệu/em, đó là một khoản không nhỏ đối với học sinh vùng khó.
Tuy nhiên, để các trường có thể làm tốt hơn nữa, ông Lượng mong muốn Nhà nước có nguồn ngân sách để hỗ trợ cho hoạt động này. “Hiện nay không có nguồn nào chi cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong các tài khoản, ô mục để chi hiện không có khoản nào liên quan đến công tác này” – ông Lượng cho hay.