Nguyễn Văn Hùng (quê ở xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) khi mới sinh ra được hai tháng thì bố mẹ phát hiện không có phản ứng với ánh sáng. Đưa lên bệnh viện mắt Trung ương, bác sĩ kết luận cậu bị loãng đồng tử bẩm sinh. Dù cố gắng mổ một bên mắt phải nhưng không thành công. Và cũng kể từ đó, Hùng bắt đầu sống với cuộc sống của một người bị khiếm thị với khả năng nhìn của hai mắt đều là 0%.
Gian nan con đường đến trường
Dù không có đôi mắt bình thường như bao người khác nhưng ngay từ rất nhỏ, cậu bé Hùng đã mong muốn được cắp sách tới trường. Tuy nhiên, con đường đến trường của cậu gặp không ít khó khăn.
8 tuổi, Hùng bắt đầu theo chân em gái (6 tuổi) cùng ra trường làng để đứng ngoài lớp để nghe giảng. Nhiều lần thành quen, các thầy cô giáo thương nên cho Hùng vào dự thính cùng với các em trong lớp. Khi cô em gái không học trường làng nữa thì đến năm lớp 4, Hùng phài nghỉ giữa chừng.
14 tuổi, Hùng mới có cơ hội được đi học lớp chữ nổi ở của một trường ở Hà Đông. Sau khi học hết lớp 5, trường không còn kinh phí - cậu bé lại tiếp tục phải nghỉ học.
Con đường đến trường của Hùng cũng không được bằng phẳng như bao bạn khác. Bởi có những lần không nhìn thấy đường, Hùng đã bị ngã xuống hố ga sâu. Cũng không ít lần cậu cố gắng đi xe đạp và đã bị ngã xuống ao ven đường.
|
27 tuổi nhưng Jos Nguyễn Văn Hùng vẫn quyết tâm theo học ngành sư phạm giáo dục đặc biệt |
Không muốn thành người… vô dụng
Được tiếp tục đi học ở Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu và THPT dân lập Nguyễn Đình Chiểu khi tuổi đời khá lớn nhưng Hùng vẫn không từ bỏ ước mơ được đến với nghề sư phạm.
Với Hùng, ước mơ được đứng trên bục giảng không chỉ là giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh với mình mà còn giúp đỡ các em khuyết tật về trí tuệ, nhiễm HIV…
“Mình không muốn trở thành người vô dụng. Học nghề sư phạm, mình mong muốn được đóng góp một phần nhỏ của mình để đưa nền giáo dục tình thương đến với những người con người khuyết tật” – Hùng tâm sự.
Cũng chính vì khát khao đó mà Hùng đã nỗ lực phấn đấu thi vào khoa Giáo dục đặc biệt (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Năm 2009, thi ĐH lần thứ nhất nhưng không đậu. Không từ bỏ - Hùng quyết định đầu tư một năm ôn luyện. Dù ở nhà trọ cách trường tới 5 cây số, đôi mắt không nhìn thấy đường nhưng Hùng vẫn không nản….
Nhờ việc kiên trì ôn luyện mà một năm sau, Hùng đậu vào khoa Giáo dục đặc biệt với số điểm 15,5 vẫn còn dư 0.5 điểm so với điểm đậu. Để có được kết quả này, Hùng cho biết: “Những người có đôi mắt sáng có thể học một tiếng đồng hộ thì thuộc bài nhưng mình thì phải dành hẳn 3 tiếng, phải kiên trì học. Bài nào không hiểu thì về nhà mình hỏi thêm bạn bè và thầy cô”.
Khó khăn chất chồng
Sinh ra trong một gia đình có bốn anh em, bố mẹ đều làm nông nghiệp, cả nhà mỗi năm chỉ trông chờ vào hai tấn thóc không đủ chi tiêu các khoản. Bởi vậy mà mỗi tháng, Hùng chỉ dám xin bố mẹ một khoản tiền nhỏ đủ để trang trải trong một phạm vi nhỏ hẹp.
Hiện giờ, Hùng đang được ở kí túc xá nên đỡ được phần nào. Còn lại, thi thoảng Hùng vẫn phải đi làm thêm bằng cách tham gia vào lớp Hợp ca hi vọng từ thời còn đi học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, mỗi tháng đi hát một lần và kiếm được tầm 200.000-300.000 đồng.
“Mình không muốn trở thành gánh nặng của gia đình. Cố gắng giúp được bố mẹ phần nào thì giúp vì bố mẹ giờ cũng đã già rồi” – Hùng nói.
Trong công việc học tập, đối với Hùng vất vả nhất vẫn là việc đọc các tài liệu. Bởi tài liệu rất nhiều mà khả năng đọc được hạn chế. Vì vậy, việc học của Hùng cũng gặp không ít khó khăn so với các bạn cùng lớp.
Dù hàng ngày vẫn phải dò dẫm theo chiếc gậy từ kí túc xá đến lớp, ăn hai suất cơm chưa no bụng nhưng ở trên gương mặt Hùng vẫn hiện hữu một niềm lạc quan yêu đời. Bởi, Hùng biết rằng, để có được như ngày hôm nay là bao nhiêu tấm lòng tốt đã giúp anh đặt một viên gạch để đến với cổng giảng đường ĐH.
Hùng luôn tâm niệm con người sống với nhau cốt là tình yêu thương. Do đó, nếu sau này không được trở thành một thầy giáo thì mình vẫn sẽ dạy con cháu rằng: “con người điều đầu tiên thành công hay không chưa quan trọng nhưng trước hết là phải thành nhân”.