Cuộc “Hành quân dã chiến” và những “kế hoạch” không thành
Sáng 3-7, trên Quốc lộ 1A (đoạn thuộc thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có một cậu thanh niên đi xe đạp, mặt tái đi vì mệt mỏi vào xin nước uống và ngồi nghỉ nhờ ở nhà dân ven đường. “Sắp đến nơi rồi, cố lên!”, Thuận tự nhủ… Xét ở tiêu chí về thể lực, có lẽ Nguyễn Văn Thuận hoàn toàn có thể được tuyển thẳng vào trường Sỹ quan Lục quân I (nơi em đăng ký dự thi). Xuất phát ở quê (huyện Yên Thành, Nghệ An) từ 1h trưa, đến 9h30 sáng hôm sau Thuận đã đến huyện Thanh Trì, Hà Nội. 300km đạp xe với chỉ một chai nước và vài cái bánh mỳ không. Lúc mệt thì dắt, đỡ mệt lại đạp. 30.000 đồng tiền dành dụm khi mang đi, đến Hà Nội vẫn còn tận… 10.000 đồng cho 2 ngày rưỡi ăn ở và lượt đi về. Trên đường đi, Thuận còn vạch sẵn một kế hoạch “tác chiến” rất cụ thể về nơi ăn, chốn ở khi đi thi tại Hà Nội. Rất đơn giản, ăn vẫn là bánh mỳ không, nước lọc uống hết thì xin, ở thì nếu có đình chùa nào gần điểm thi thì xin ngủ nhờ, không có thì ngay cổng trường thi, dưới cột đèn cao áp cũng là tốt lắm rồi.
Thế nhưng “kế hoạch” đó đã không thành. “Sáng hôm đó, khi xuống địa bàn, gặp trường hợp của Thuận, biết hoàn cảnh và cuộc “hành quân dã chiến” của em, tôi quyết định sẽ giúp đỡ ngay để Thuận có thể đến địa điểm thi tận huyện Thạch Thất cho kịp giờ”, Đại uý Nguyễn Quốc Khánh, Công an phụ trách xã Liên Ninh (CAH Thanh Trì) cho biết. Được sự giúp đỡ tận tình của bà con và đặc biệt là đồng chí Trần Trọng Dực, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội là một người dân xã Liên Ninh, nên hai đêm qua Thuận được ăn nghỉ trong phòng trọ đàng hoàng. Chắc chắn đó là những giấc ngủ mà Thuận không thể nào quên. “Em quá may mắn khi gặp được bác Dực, chú Khánh, và cả những người mà em còn chưa biết tên trên đường em ra thi. Không có các bác, các cô, các chú cũng chẳng biết em còn sức mà làm bài nữa không”, Thuận cảm động khi nhớ lại những vất vả đã qua.
Thí sinh Nguyễn Văn Thuận xem lại bài sau khi thi xong môn hóa, môn cuối cùng trong kỳ thi
Muốn đi thật xa trên đường đời
“Quê em là vùng đất mà cứ nắng thì hạn, mưa lại ngập. Gia đình thuần nông, dưới em còn một em trai 8 tuổi nữa, cũng hoàn cảnh anh ạ. Bố mẹ không muốn em đi thi đại học vì nếu đỗ biết lấy đâu tiền mà học” - Thuận khẽ nói. Ấy vậy mà Thuận vẫn quyết phải thi đại học bằng được. Được sự động viên của thầy cô giáo, tự tin vào lực học của mình Thuận chọn trường Sỹ quan Lục quân I, vì nếu đỗ bố mẹ sẽ không phải lo học phí. “Nếu không đỗ, em ở quê kiếm việc gì làm phụ bố mẹ, vừa làm vừa ôn, năm sau nhất định phải thi tiếp vì chỉ có học em mới đi được thật xa trên đường đời” - Thuận nói, mặt rắn rỏi. Chắc chỉ có quyết tâm sắt đá ấy mới giúp cậu học sinh có vóc người nhỏ nhắn, hiền khô này đạp xe cả quãng đường dài đến thế.
Sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, Thuận vui vì làm bài tốt rồi lại vội vã trở về ngay. Có khác là lần này em về bằng ô tô. Đích thân Đại uý Nguyễn Quốc Khánh đưa em ra tận bến xe. Thuận run run tâm sự rằng cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng em sẽ nỗ lực để vượt qua tất cả bởi bên cạnh em luôn có sự thương yêu của gia đình, thầy cô, bạn bè, và em sẽ không đầu hàng trước những khó khăn nào để xứng đáng với tấm lòng của những người đã giúp đỡ em hết mình trên hành trình khó khăn đầu đời.
Tác giả: Phú Khánh
Nguồn tin: An Ninh Thủ Đô
Những tin mới hơn
Sông Ông Đốc bắt nguồn từ ngã ba Cái Tàu - Sông Trẹm chảy về hướng Tây ngang qua nhiều làng xóm đã được định cư lâu đời: Xóm Sở, Cán Dù, Nổng Kè, Ông Tự, Tham Trơi… và đổ ra cửa Ông Đốc ở phía Vịnh Thái Lan. Hai bên hữu ngạn và tả ngạn có nhiều sông rạch nhỏ: rạch Cái Tàu, Rạch Giếng, Rạch Cui, Rạch...