Trước những tình huống nảy sinh trong quá trình quản lý lớp học, với tư cách là giáo viên chủ nhiệm, người thầy cần phải có đủ thời gian, đủ kiên nhẫn, đủ bản lĩnh và quan trọng nhất là phải có đủ tình thương để có thể lắng nghe, thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ và định hướng cho các em cách giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, ta không nên chờ đến khi thật sự có vấn đề rồi mới đi tìm cách giải quyết, mà phải phát hiện được vấn đề khi nó còn tiềm ẩn, ngăn chặn những tình huống xấu phát sinh.
Muốn làm được điều đó, ngay từ đầu năm học, khi vừa nhận lớp, GVCN phải tìm hiểu thật cặn kẽ tình hình học sinh thông qua các nguồn khác nhau. Từ bản thân các em thông qua Phiếu thông tin cá nhân, có thể nắm được hoàn cảnh kinh tế gia đình, tình hình nhà ở, mối quan hệ gia đình, xã hội, những ước muốn, sở trường, những khó khăn nếu có,… Với những thông tin đầu tiên này, GVCN có thể sàng lọc chọn ra những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để nếu cần, thu thập thêm thông tin về các em thông qua bạn bè, cha mẹ, GVCN hay thầy cô cũ của các em. Tuy nhiên, trong cuộc sống, không có gì là không thể xảy ra. Vì vậy, đối với những học sinh được đánh giá thật bình thường về hoàn cảnh, về tâm lý, cũng không nên chủ quan cho rằng không cần phải quan tâm đến các em. GVCN phải thể hiện sự quan tâm của mình đến với từng học sinh, nhưng cũng phải đặt trọng tâm, trọng điểm ở một số học sinh cá biệt. Song song đó, GVCN cũng cần tự hình thành cho mình một mạng lưới thu thập thông tin riêng từ các nguồn: giáo viên bộ môn, giám thị phụ trách lớp, cha mẹ, bạn bè của học sinh.
Sau khi nắm chắc được tình hình học sinh, GVCN tiến hành bước thứ hai: quan sát. Quan sát để phát hiện những thay đổi trong hành vi, những hiện tượng bất thường trong đời sống học đường, quan sát những biểu hiện của học sinh có nguy cơ rối nhiễu tâm lý. Đó có thể là những biểu hiện nhỏ: đi trễ, không mang giày, cáu gắt với bạn, lo ra, … hay lớn hơn: nghỉ học không xin phép, cúp tiết. Và nghiêm trọng hơn, như vi phạm kiểm tra, vô lễ với giáo viên,…
Ngoài ra, nhằm xây dựng môi trường tâm lý thuận lợi cho học sinh, GVCN cần tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi, hoạt động giáo dục trong phạm vi lớp chủ nhiệm. Đó có thể là một chuyến dã ngoại nho nhỏ, một hoạt động ngoài giờ lên lớp do chính các em thiết kế và thực hiện chương trình. Những hoạt động ngoài nhà trường thông thường sẽ giúp cho thầy và trò gần gũi, gắn bó với nhau, dễ cảm thông cho nhau. Việc để học sinh tự thực hiện hoạt động ngoài giờ lên lớp vừa phát huy được năng lực sáng tạo của các em, vừa tạo điều kiện cho các em thể hiện các kỹ năng sống cần có: kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng hợp tác, kỹ năng thể hiện sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, … Trong quá trình làm việc, các em sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết, sẽ có được những kỷ niệm khó quên cho thời áo trắng của mình.
Tác giả: Trần Đăng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trường THPT Sông Đốc được thành lập vào năm 2002, trên cơ sở của Trường THCS 1 Sông Đốc, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Trong những ngày đầu thành lập, nhà trường chỉ có 15 CB – GV với chưa tới 200 HS chia làm 5 lớp (1 lớp 11 và 4 lớp 10). Được sự quan tâm của các cấp Lãnh đạo, năm 2011,...